“Tại sao ta phải vượt khỏi ái và dục để cho tinh tấn, để chân chính tu hành? Bởi vì ta yêu quý Đạo Phật, bởi vì thế giới cần Đạo Phật. Ta tôn kính Đức Phật, ta yêu quý Đạo Phật và vì thế giới cần Đạo Phật nên ta phải vượt qua ái dục để tinh tấn tu hành. Tại sao thế giới cần Đạo Phật? Vì nếu có Đạo Phật thì trong thế giới này con người sẽ như thế này, thứ nhất là người ta biết sợ tội, biết cầu phúc, cho nên tránh làm khổ nhau. Cái đạo lý của Phật dạy về Nhân Quả, Tội Phúc, Thiện Ác rất là minh bạch, rõ ràng. Nên nếu mà Đạo Phật được phổ biến khắp thế gian thì cái nỗi khổ con người bớt rất nhiều, vì con người ta không dám làm khổ nhau nữa. Và nếu Đạo Phật giăng đầy trên thế giới này, thì rất nhiều người sẽ biết tĩnh tâm tu hành để vượt qua được bao nhiêu là nghịch cảnh, bao nhiêu là sóng gió của cuộc đời mà ta biết cuộc đời vốn đầy những nghịch cảnh và sóng gió. Ai cũng cần một cái nội tâm bình thản để đi qua những nghịch cảnh đó. Và Đạo Phật sẽ cho mọi người cái sự bình an để vượt qua những nghịch cảnh như thế, nên thế giới rất cần Đạo Phật. Nếu Đạo Phật giăng đầy trên thế gian này thì con người ta biết thương yêu nhau, người ta biết chung tay nhau xây dựng một cuộc đời tốt đẹp, tử tế, hạnh phúc. Vì thế, thế giới rất cần Đạo Phật. Nếu thế gian này được cảm hoá bởi Đạo Phật thì ta sẽ thấy là chiến tranh ly loạn sẽ dần dần được dập tắt, mọi miền của đất nước được ổn định, được thanh bình. Và vì vậy, thế giới này cần Đạo Phật. Nếu khắp thế gian này Đạo Phật soi sáng mọi nơi, thì con người ta có cơ hội để được tu tập thiền định, thăng tiến tâm linh, trở thành một loài người mới hướng về những vị trí Thánh Đạo cao cả. Vì vậy, thế giới này cần Đạo Phật. Con người ta không thể tiếp tục là một con người tầm thường, mà dao động giữa người và thú mãi, khi thì tốt thì làm người, khi bậy trở thành thú. Bây giờ Đạo Phật cho người ta một cái hướng đi khởi điểm từ con người để đi về phía làm Thánh. Vì vậy, thế giới cần Đạo Phật để cho con người ta đừng quay lại nhìn về cái phía thú mà đi về đó nữa, mà người ta phải quay lại nhìn về phía Thánh để bước tới, để đi lên. Và Đạo Phật cho người ta cái quay lưng vĩ đại như thế. Và ta thấy, muốn cho những điều tốt đẹp đó hiện diện trên cõi đời này thì Đạo Phật phải phát triển, phải hưng thịnh. Và muốn cho Đạo Phật được phát triển, được hưng thịnh thì đệ tử Phật cả tại gia lẫn xuất gia đều phải thanh tịnh tiến tu và vượt qua ái dục, không còn con đường nào khác. Nên từng người đệ tử Phật mà thanh tịnh tiến tu được, thì tự nhiên cái niềm tin đó lan toả vào cộng đồng chung quanh, và mọi người cùng nhau tin theo, tu theo Phật Pháp. Ví dụ nói Thầy Tu, Tu Sĩ là không có ái dục là đúng rồi, nhưng mà ngay nơi Cư Sĩ cũng vậy, ngay nơi Cư Sĩ mà người ta nhìn thấy người cư sĩ sống thanh thản, đàng hoàng, vững vàng thì người ta cũng có niềm tin rất nhiều nơi Đạo Phật. Vì cái người Cư Sĩ trong thời đại mới cũng là một sứ giả của Phật, chứ không phải là người tu sĩ, người tu sĩ thì lãnh đạo tổng quát. Nhưng mà mỗi người Cư Sĩ cũng là một chiến sĩ, một sứ giả để đem Phật Pháp đến cho mọi nơi. Mà nếu để cho người Cư Sĩ đủ cái sức mạnh, đủ uy lực để nói về Phật Pháp cho mọi người thì bên trong mình phải có cái uy đức sáng chói. Và cái uy đức sáng chói đó, nó cũng xuất hiện từ nơi nội tâm thanh tịnh mà ta vượt qua khỏi ái dục, cũng không còn con đường nào khác. Nên nếu ai vượt qua khỏi ái dục, thì Phật gọi đó là người có uy đức sáng chói.”
- Trích Pháp Thoại “Ái và dục 3,4 - Thượng Toạ Thích Chân Quang thuyết giảng.
https://youtu.be/CBPpArDOs9c